Vì sao IMF lạc quan hơn với kinh tế thế giới?

Đầu tuần này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới”, trong đó nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay lên 2,9%.

Vì sao IMF lạc quan hơn? - Ảnh 1.
 

Kinh tế sẽ tăng trưởng hơn khi mọi thứ không bị nghẽn. Hành khách chờ lên tàu tại ga xe lửa Hồng Kiều ở Thượng Hải (Trung Quốc) vào hôm 18-1, trong bối cảnh nước này đã hạ cấp quản lý dịch COVID-19 – Ảnh: Reuters

Triển vọng kinh tế thế giới trong những tuần qua tươi sáng một cách đáng kinh ngạc khi Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều có sự vượt trội so với dự tính và tránh được, ít nhất là vào thời điểm hiện tại, một số kịch bản tồi tệ. 

Các công ty ở Mỹ tiếp tục tuyển dụng ở mức ổn định, trong khi các số liệu thống kê mới nhất về tình hình sản xuất của châu Âu báo hiệu sự tăng trưởng và người dân Trung Quốc đã tăng chi tiêu trở lại.

3 động lực kinh tế chính

Trong báo cáo ngày 30-1, IMF kỳ vọng mức tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023 là 2,9%, chậm hơn so với năm 2022 nhưng vẫn tăng 0,2 điểm phần trăm so mức 2,7% từng dự báo vào tháng 10-2022. Lạm phát trên toàn thế giới sẽ còn 6,6% trong năm nay, giảm so với mức trung bình toàn cầu 8,8% năm ngoái. Xa hơn, tăng trưởng toàn cầu năm 2024 sẽ tăng lên 3,1%.

IMF lưu ý tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã phục hồi đáng kinh ngạc trong quý 3-2022. Trong giai đoạn này, thị trường lao động mạnh mẽ, tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư kinh doanh mạnh, khả năng thích ứng tốt hơn mong đợi với cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, và lạm phát được cải thiện.

Tuy nhiên, phần lớn sự cải thiện ở ba động lực kinh tế chính của thế giới – Mỹ, châu Âu và Trung Quốc – là nhờ vào việc ngăn chặn thảm họa hơn là những diễn biến bùng nổ mới, theo báo Washington Post.

Tại Mỹ, mức tăng lãi suất nhanh nhất trong 40 năm qua của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa đẩy nền kinh tế vào suy thoái, trong khi các công ty như Boeing và Chipotle có kế hoạch thuê hàng ngàn nhân viên mới. Sự yếu đi của đồng đô la Mỹ (USD) cũng khiến các nền kinh tế đang phát triển “dễ thở” hơn.

Nỗi lo về cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng ở châu Âu đã giảm bớt. Theo ông Christian Keller, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng Barclays, năng lực của châu Âu trong việc đối phó với tình trạng không còn nguồn khí đốt Nga là chìa khóa giúp cải thiện nền kinh tế. Nhờ những nỗ lực dự trữ và thời tiết ôn hòa, các cơ sở lưu trữ khí đốt của châu Âu hiện đạt mức gần 74%.

Đầu tuần này, chỉ số cảm tính kinh tế (ESI) của Ủy ban châu Âu đã tăng tháng thứ ba, còn chỉ số kỳ vọng việc làm tăng tháng thứ hai liên tiếp. Ủy ban này cho biết số liệu “tăng rõ rệt” ở Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha.

Việc Trung Quốc đột ngột dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt vào tháng 12-2022, sớm hơn nhiều tháng so với dự đoán của các nhà đầu tư, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu cao hơn.

 

Ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF, đánh giá: “Triển vọng kinh tế toàn cầu đang ít ảm đạm hơn so với dự báo chúng tôi đưa ra hồi tháng 10-2022. Ngay lúc này, chúng tôi không thấy có suy thoái kinh tế toàn cầu”.

Vì sao IMF lạc quan hơn? - Ảnh 2.

Nguồn: IMF – Dữ liệu: BẢO ANH – Đồ họa: TUẤN ANH

Vẫn phải thận trọng

Triển vọng kinh tế toàn cầu tươi sáng hơn của IMF được đưa ra trong bối cảnh các ngân hàng trung ương ở Mỹ, châu Âu và Anh dự kiến sẽ tăng lãi suất trong tuần này để tiếp tục chống lạm phát. Fed có khả năng nâng lãi suất thêm 0,25 điểm, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Anh có thể tăng 0,5 điểm.

Tuy nhiên, kênh CNBC cho rằng bức tranh kinh tế thế giới không hoàn toàn tích cực. Đầu tháng 1-2023, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva đã nói dù kinh tế toàn cầu không tệ như một số người lo ngại, “nhưng ít tệ hại hơn không có nghĩa là tốt”. “Chúng ta phải thận trọng”, bà cảnh báo.

Vương quốc Anh là nền kinh tế phát triển duy nhất mà IMF dự báo sẽ suy thoái trong năm nay, với GDP giảm 0,6%. Theo IMF, Anh phải gánh chịu các tác động của việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và đang vật lộn với lạm phát cao, thị trường lao động vẫn chưa phục hồi về mức trước dịch. “Anh đang đối mặt với một môi trường khá thách thức” – ông Gourinchas nói.

Tại Mỹ, hầu hết các nhà dự báo cho rằng sẽ có một cuộc suy thoái xảy ra, có thể ngay trong mùa xuân này. Song các nhà hoạch định chính sách có thể lèo lái để nền kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm”, tức là đưa lạm phát vào tầm kiểm soát mà không rơi vào suy thoái.

IMF cảnh báo một số yếu tố có thể làm xấu đi triển vọng kinh tế toàn cầu trong những tháng tới. Đó là tiến trình mở cửa lại của Trung Quốc có thể bị đình trệ, lạm phát vẫn ở mức cao, xung đột Nga – Ukraine kéo dài làm tăng giá năng lượng và lương thực hơn nữa, các thị trường ảm đạm khi dữ liệu lạm phát tồi tệ hơn dự đoán.

Vẫn lo chống lạm phát

IMF cảnh báo cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc. Ông Pierre-Olivier Gourinchas nói: “Cuộc chiến chống lạm phát đang bắt đầu có kết quả, nhưng các ngân hàng trung ương phải tiếp tục nỗ lực”.

Ông Gourinchas nói ngân hàng trung ương các nước cần cảnh giác và đảm bảo chắc chắn rằng lạm phát đang đi xuống, đặc biệt ở những nước có lãi suất thực tế còn ở mức thấp, ví như tại châu Âu.

Theo Bảo Anh

https://tuoitre.vn/vi-sao-imf-lac-quan-hon-voi-kinh-te-the-gioi-20230202074750482.htm

906 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Hộp thư góp ý

Cổng thông tin Chuyển đổi số Bình Thuận

Chuyển đổi số

Liên kết website

Thông tin cần biết