Bệnh nhi tử vong do rắn cắn: Vì sao bệnh viện không có huyết thanh?

Chiều 23-5, gia đình bé S.T.N.N. (4 tuổi, ở thôn Ma Y, xã Phước Tân, huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) và người thân, xóm giềng đã làm lễ an táng cho bé trong xót xa, thương tiếc.

Bệnh nhi tử vong do rắn cắn: Vì sao bệnh viện không có huyết thanh? - Ảnh 1.

Lãnh đạo xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) thăm hỏi, chia buồn với gia đình cháu bé bị rắn cạp nia cắn chết – Ảnh: VTC

Không từ ngữ nào tả hết được nỗi buồn của anh Ra Lan Oát và chị Sô Thị Tú, cha mẹ bé N., trước sự ra đi quá bất ngờ của đứa con gái đầu lòng cũng là duy nhất của anh chị sau khi bé bị rắn cạp nia cắn.

Bất lực nhìn con chết

“Tôi đã biết con bị rắn độc cắn, cấp tốc đưa con đi cấp cứu ngay trong đêm, đã đến bệnh viện lớn của tỉnh rồi mà cuối cùng vẫn bất lực không cứu được con” – chị Tú nức nở.

Ông Sô Minh Chiến – chủ tịch UBND xã Phước Tân – cho biết vợ chồng anh Oát, chị Tú mới ra dựng nhà sàn ở riêng, xung quanh thoáng đãng nhưng không hiểu sao rắn độc cạp nia lại lên được nhà lúc đêm tối và cắn bé N. đang ngủ. Khoảng hơn 0h ngày 16-5, chị Tú dậy đi vệ sinh thì thấy bé N. ói mửa, lơ mơ. Khi kéo chiếc màn thì thấy con rắn cạp nia đang ở ngay dưới chân con gái nên anh chị đánh chết rắn, đồng thời chụp lại ảnh con rắn để đưa cho bệnh viện biết.

“Biết đây là loại rắn độc, vợ chồng Oát thuê ôtô ở gần nhà chở ngay đến Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa cấp cứu. Ngay trong đêm, cháu N. được chuyển tuyến đến Bệnh viện Sản – nhi Phú Yên để cấp cứu và điều trị. Nhưng cuối cùng cháu không qua khỏi” – ông Chiến xót xa.

Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Sản – nhi Phú Yên, bé N. được chuyển đến bệnh viện này lúc 2h30 ngày 16-5 trong tình trạng lơ mơ, khó thở, chừng 10 phút sau đó thì ngưng thở nên bệnh viện phải đặt nội khí quản ngay cho bé. Do không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, Bệnh viện Sản – nhi Phú Yên chuyển bé N. đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, tuy nhiên bệnh viện này cũng không có huyết thanh nên trưa 16-5 bé được chuyển lại Bệnh viện Sản – nhi Phú Yên để tiếp tục điều trị.

“Chúng tôi có liên hệ với Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 để chuyển tuyến cho bé, nhưng hai bệnh viện trên cũng cho biết là không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia. Vì vậy, chúng tôi cố gắng hết sức để điều trị cho bé theo phác đồ của Bộ Y tế trong trường hợp không có huyết thanh kháng nọc rắn” – bác sĩ Phạm Văn Minh, giám đốc Bệnh viện Sản – nhi Phú Yên, cho hay.

Đến tối 21-5, sau 5 ngày nằm viện, tình trạng của bé N. rất xấu khi suy gan, thận, sốt không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Thấy con khó qua khỏi, gia đình xin bệnh viện được đưa bé về nhà. Đến trưa 22-5, bé N. qua đời.

Huyết thanh không đắt tiền nhưng vẫn thiếu

Một lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng TP (TP.HCM) cho biết hiện bệnh viện đang thiếu huyết thanh cạp nia và huyết thanh kháng nọc rắn hổ mèo.

Vì sao nhiều bệnh viện tuyến trên lại thiếu những loại huyết thanh này? Vị này cho hay do những loại huyết thanh này rất ít khi được sử dụng đến nên công ty nhập loại huyết thanh này thường ít nhập về.

Tại bệnh viện, có năm tiếp nhận điều trị 1 ca bị rắn cạp nia hay rắn hổ mèo cắn nhưng có năm không có bệnh nhi nào. Khi bệnh viện tiếp nhận những bệnh nhi này mà hết huyết thanh thì sẽ hỏi mượn huyết thanh từ những bệnh viện khác như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2. Còn khi ngay cả hai bệnh viện này cũng hết huyết thanh thì bệnh viện cũng đành chịu.

Theo bác sĩ này, các loại huyết thanh đang thiếu này có giá thành rẻ như một loại thuốc thông thường. Nhưng do các bệnh viện không có nhu cầu lớn nên các công ty không muốn nhập về.

Bác sĩ Đinh Tấn Phương – trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) – cho biết hiện bệnh viện không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nong và cạp nia, nhưng vẫn có các loại huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất, rắn lục đen, rắn chàm quạp… Tình trạng thiếu hai loại huyết thanh kháng nọc rắn trên xảy ra từ lâu.

Theo bác sĩ Phương, khi bị rắn cạp nong hoặc cạp nia cắn có thể điều trị theo triệu chứng, bệnh nhân sẽ được thở máy khoảng tầm hai tuần, tiên lượng sống của bệnh nhân cao.

“Nguyên nhân của việc không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nong, cạp nia chủ yếu là do rất ít trường hợp bị rắn cắn, loại rắn này có thể điều trị thay thế bằng phương pháp hỗ trợ hô hấp”, bác sĩ Phương nói.

TS.BS Lê Quốc Hùng – trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) – cũng cho biết bệnh viện không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia từ một năm nay. Loại huyết thanh này được nhập từ nước ngoài, cụ thể là Thái Lan. Hiện tại do ảnh hưởng của dịch COVID-19, huyết thanh kháng cạp nia chưa được sản xuất, Việt Nam chưa thể nhập được, do vậy không có thuốc để điều trị cho bệnh nhân.

Cũng theo TS Hùng, hiện nay bệnh viện thiếu cả huyết thanh kháng nọc rắn hổ chúa do chưa được nhập về.

Trước tình trạng nhiều bệnh viện thiếu các loại huyết thanh, lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng TP đề xuất Bộ Y tế phải đứng ra lo vì đây là những loại thuốc “cấp cứu” bệnh nhân. Còn sở y tế các tỉnh thành nên là đầu mối để các bệnh viện hết huyết thanh đều có thể gọi đến để lấy. “Chứ bệnh viện mượn huyết thanh của nhau nhưng lúc tất cả các bệnh viện đều hết thì cũng không có huyết thanh điều trị cho bệnh nhân” – vị này nói thêm.

Nhiều ca nhập viện vì bị rắn cắn Theo một nhân viên ở trại rắn Đồng Tâm (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), từ ngày 1-5 đến nay, trại rắn này đã tiếp nhận 139 ca bị rắn lục đuôi đỏ và rắn hổ cắn. Trung bình mỗi ngày trại tiếp nhận từ 6-7 ca bị rắn cắn từ các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Long An… chuyển đến. Nguyên nhân do vào mùa mưa nên số ca bị rắn cắn tăng. (H.THƯƠNG) Theo Duy Thanh – Thùy Dương – Thu Hiến https://tuoitre.vn/benh-nhi-tu-vong-do-ran-can-vi-sao-benh-vien-khong-co-huyet-thanh-20220524073426184.htm
 
1,191 views

Chương trình Giữ trọn lời thề

Bảng giá quảng cáo và dịch vụ 2024

Chương trình Phát thanh

Hộp thư góp ý

Cổng thông tin Chuyển đổi số Bình Thuận

Chuyển đổi số

Liên kết website

Thông tin cần biết